Mùa ẩm nồm, chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết với 7 thói quen sau

Mùa ẩm nồm, chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết với 7 thói quen sau

Tác giả: Hồng Phượng - Khoa xét nghiệm

1 năm trước

(2 đánh giá) Điểm 5

Sốt xuất huyết là bệnh đe dọa đến sức khỏe của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và đến nay vẫn chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị. Trong mùa ẩm nồm, muỗi vằn - vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, dễ sinh sôi nảy nở, do đó chúng ta cần chủ động có những biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết. Sau đây, hãy cùng HENO tìm hiểu về những thói quen để phòng bệnh sốt xuất huyết nhé!



    Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

    Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm trùng cấp tính, bệnh có thể bùng phát thành dịch do vi rút Dengue gây nên, bệnh sốt xuất huyết lan truyền chủ yếu là do muỗi Aedes albopictus và Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn. Sốt xuất huyết là bệnh dịch đã từng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Sốt xuất huyết có thể dẫn tới tử vong nếu không được chữa trị kịp thời, và nó cũng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

    Thông qua muỗi vằn đốt, virus Dengue có thể lây từ người bệnh sang người lành, nhưng virus này không lây trực tiếp từ người sang người. Virus Dengue có nhân ARN, thuộc nhóm Flavivirus, có 4 type huyết thanh: D1, D2, D3, D4 Các virus Dengue có kháng nguyên đặc hiệu, có những kháng nguyên chung và có thể gây phản ứng chéo một phần sau khi người bệnh bị nhiễm 1 trong 4 type. 

    Muỗi vằn là nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết

    Muỗi vằn là trung gian gây bệnh sốt xuất huyết ở người

    Muỗi vằn sẽ hoạt động chủ yếu vào ban ngày và đặc biệt chỉ có muỗi cái mới đốt và truyền bệnh. Virus Dengue sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Khi bị muỗi đốt, virus sẽ tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu bạn bị muỗi hút máu thì virus được truyền cho muỗi.

    Khi bệnh nhân đã khỏi sau khi bị sốt xuất huyết, cơ thể sẽ miễn dịch chống lại bệnh, tuy nhiên chỉ kháng được loại virus đã gây ra bệnh. Trong khi có 4 chủng khác nhau, do đó bệnh nhân có thể bị nhiễm lại bởi chủng virus khác. 

    7 thói quen giúp phòng bệnh sốt xuất huyết

    1, Dọn sạch nơi tồn đọng nước trong nhà, ngăn không cho muỗi sinh sản

    Hãy luôn đảm bảo đã làm sạch các chậu hoa không dùng đến hoặc các bình, chum vại. Luôn luôn loại bỏ các vật dụng chứa nước khi không sử dụng. Nếu muốn sử dụng, hãy nhớ úp xuống để nó không có nước tù đọng lại. 

    Muỗi rất dễ sinh sôi nảy nở ở môi trường nước tù đọng, do đó hãy nhớ loại bỏ các nơi tồn đọng nước trong nhà, ngăn không cho muỗi sinh sản.

    Dọn nơi đọng nước để tránh sự sinh sản của muỗi

    Dọn sạch nơi tồn đọng nước trong nhà để phòng bệnh sốt xuất huyết

    2, Phát quang bụi rậm

    Không chỉ nông thôn mà thành phố cũng có thể sử dụng cách này. Mục đích của biện pháp này chủ yếu là phá bỏ các ổ nước nơi muỗi sinh sản, từ đó làm giảm mật độ muỗi. Bạn có thể: 

      • Thu dọn, tiêu hủy các vật dụng bỏ đi xung quanh nhà và trong nhà bạn
      • Phát quang cây cối, các cây cỏ dại xung quanh nhà để hủy bỏ nơi sinh sản của muỗi đồng thời là nơi trú ẩn cho muỗi trưởng thành

    3, Luôn mắc màn khi đi ngủ kể cả ban ngày

    Ngủ màn là một biện pháp được khuyến khích để phòng bệnh sốt xuất huyết. Đây là biện pháp với chi phí sử dụng thấp và phát huy tác dụng trong thời gian dài. Hơn nữa, biện pháp này còn có tác dụng cao. 

    Màn mỏng, nhẹ, được đan dày luôn là sự lựa chọn hoàn hảo để muỗi không thể xâm nhập và đốt bạn vào buổi tối. Hãy để ý dành ra 2 phút kiểm tra màn thường xuyên để tránh trường hợp bị rách hoặc bị thủng.

    Ngoài ra, bạn có thể tìm mua màn có tẩm thuốc diệt muỗi permethrin nồng độ thấp để được bảo vệ tốt nhất.

    4, Trồng cây đuổi muỗi hoặc đặt lưới chống muỗi và côn trùng

    Một số loại cây trồng trong nhà có đặc tính ngăn ngừa muỗi sinh sản. Đặt biệt, có một số loại cây vừa phù hợp để trang trí nhà cửa vừa có tác dụng đuổi muỗi như: hương thảo, đinh hương, hoa oải hương,.... 

    Và nếu bạn thấy các loại cây hoa tươi khó chăm sóc thì có thể sử dụng hoa khô, cho vào các túi thơm và treo trong nhà, gần những nơi ẩm thấp mà muỗi hay tập trung

    Ngoài ra, nếu nhà bạn có trẻ nhỏ thì việc lắp đặt lưới chống muỗi và côn trùng được cho là cần thiết. Có thể lắp đặt ở các cửa sổ, các ô thoáng, cửa ra vào,... Hiện nay, có rất nhiều khu vực chung cư đã lắp đặt với tính thẩm mỹ cao.

    5, Luôn đậy nắp thùng rác

    Thùng rác cũng là địa điểm tập trung rất nhiều muỗi. Và vì vậy bạn hãy nhớ đậy nắp thùng rác sau khi sử dụng và phải đổ rác thường xuyên. Bởi nếu để lâu, có thể sẽ có nước tồn đọng trong thùng rác và muỗi sẽ nảy nở nhiều hơn. 

    Đậy nắp thùng rác tránh muỗi tập trung

    Luôn đậy nắp thùng rác để tránh muỗi tập trung

    6, Sử dụng tinh dầu đuổi muỗi

    Muỗi sợ mùi hương của các loại tinh dầu. Bạn có thể đốt hoặc xông tinh dầu, sau đó đóng kín tất cả các cửa ra vào và cửa sổ khoảng 15-20 phút. Mùi hương của tinh dầu sẽ làm muỗi đang ở trong phòng sẽ bay hết đi. 

    Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng trong việc đốt tinh dầu vì nó có thể gây ra hỏa hoạn và nếu nhà có trẻ em thì nên để máy đốt tinh dầu lên cao, tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ.

    Lưu ý: Không nên lạm dụng phương pháp này mà chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn và để nơi thực sự an toàn.

    7, Tránh tiếp xúc với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

    Nếu trong nhà có thành viên mắc bệnh sốt xuất huyết thì hãy tránh tiếp xúc với người bệnh và tránh để bị muỗi đốt một cách triệt để. Vì nếu thành viên trong gia đình bị mắc bệnh thì muỗi mang mầm bệnh có thể sẽ chọn bạn là mục tiêu tiếp theo. Hãy chăm sóc mọi thành viên trong gia đình một cách kỹ lưỡng và cùng bảo vệ bản thân để tránh bị sốt xuất huyết.

    Bài viết trên đã cung cấp cho bạn 7 thói quen hàng ngày để giúp bạn và gia đình phòng bệnh sốt xuất huyết. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, HENO luôn sẵn sàng cùng bạn để bảo vệ sức khỏe. Truy cập trang Cẩm nang để biết nhiều hơn về sốt xuất huyết và các bệnh khác nhé. 


    Hashtag:

    Đánh giá bài viết

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN