Tiêu chảy do virus rota quay lại: Cần làm gì để phòng tránh cho trẻ

Tiêu chảy do virus rota quay lại: Cần làm gì để phòng tránh cho trẻ

Tác giả: Hồng Phượng - Khoa xét nghiệm

1 năm trước


Tiêu chảy rota là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khiến nhiều ba mẹ lo lắng. Phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có thể bảo vệ sức khỏe cho trẻ và giảm bớt nguy hiểm. Bài viết này HENO sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về nguyên nhân, triệu chứng, cách xử lý cũng như những cách phòng tránh bệnh tiêu chảy rota cho trẻ hiệu quả.



    1, Bệnh tiêu chảy rota là gì và nguyên nhân nào gây tiêu chảy rota ở trẻ

    Bệnh tiêu chảy rota là gì?

    Bệnh tiêu chảy rota là bệnh tiêu chảy cấp xảy ra phổ biến ở trẻ em. Một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp nặng có thể dẫn đến nguy hiểm và tử vong.

    Thông thường virus rota sẽ lây qua đường tiêu hóa. Ban đầu virus sẽ ở trong phân của trẻ và sẽ được truyền nhiễm thông qua tiếp xúc với tay. Đối tượng thường dễ bị tiêu chảy rota nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Ở đối tượng này thường có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện và còn rất yếu nên dễ bị virus tấn công. 

    Ở các khu vực khí hậu ôn đới thì bệnh sẽ xảy ra theo các mùa trong năm và bùng mạnh nhất là vào mùa đông. Còn đối với các nước có khí hậu nhiệt đới thì bệnh sẽ diễn ra quanh năm.

    Nguyên nhân nào gây tiêu chảy rota ở trẻ?

    Bệnh rota tiêu chảy được gây ra bởi loại virus có tên là rota. Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, cứ trong 1ml phân của trẻ bị mắc tiêu chảy do virus rota thì có chứa hơn 10.000 tỷ virus gây bệnh. Đặc biệt, chỉ cần 10 con virus này thì đã đủ để lây bệnh cho nhiều trẻ khác.

    Loại virus này rất mạnh có thể sống hàng giờ ở mọi môi trường trên bề mặt bàn tay, mặt bàn, mặt sàn, đồ chơi,.... Hơn hết, nó có thể sống và gây bệnh trong phân của trẻ đến 21 tuần. Đây là một loại virus nguy hiểm và khó tiêu diệt được bằng xà phòng, chỉ có thể  dùng các dung dịch diệt khuẩn có cồn mới tiêu diệt được.

    hình ảnh virus rota dưới kính hiển vi

    Hình dạng của rota virus

    2, Triệu chứng bệnh tiêu chảy rota ở trẻ

    Khi trẻ mắc tiêu chảy rota từ 1-3 ngày thì sẽ xuất hiện một số triệu chứng phổ biến như:

      • Nôn mửa: tình trạng này sẽ diễn ra từ vài lần đến vài chục lần/ ngày và nó có thể xảy ra và kéo dài từ 1-3 ngày.

      • Tiêu chảy cấp: Ban đầu đi ngoài thì phân trẻ sẽ lỏng, sệt, có màu vàng. Tiếp sau nhiều lần sẽ chuyển thành nước và số lần đi trong ngày có thể lên đến 5-7 lần, nặng hơn thì sẽ trên 10-12 lần/ ngày. 

      • Trẻ có dấu hiệu bị mất nước do đi ngoài nhiều lần: Triệu chứng này có thể dễ nhận thấy qua tình trạng trẻ bị khô môi, hay khát, nằm li bì, quấy khóc,...

      • Gây sốt: Thông thường trẻ sẽ bị sốt nhẹ kéo dài từ 1-4 ngày. Một số trường hợp nguy hiểm có thể sốt đến 40 độ C và xảy ra hiện tượng co giật.

      • Đau bụng: Đối với triệu chứng này ở trẻ thì rất khó để biết và chuẩn đoán chính xác.

      • Hạ kali: Biểu hiện thường thấy là bụng trẻ bị chướng, nhịp tim đập loạn, suy nhược toàn thân,...

    trẻ bị đau bụng khi mắc tiêu chảy rota

    Trẻ mắc tiêu chảy rota thường có biểu hiện đau bụng

    3, Cần làm gì khi trẻ có biểu hiện tiêu chảy do virus rota gây ra

    Dưới đây là một số các xử lý khi trẻ bị dịch tả rota mà các ba mẹ có thể tham khảo:

      • Bù nước cho trẻ: ba mẹ có thể bù lại lượng nước mà bé mất do đi ngoài nhiều lần bằng Oresol. Các ba mẹ pha gói thuốc và nước theo chỉ dẫn trên bao bì, với trẻ nhỏ thì chia thành nhiều lần uống và nên uống bù sau mỗi lần đi ngoài. Trường hợp không thể bù nước và trẻ có biểu hiện mất nước nặng thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

      • Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ: Nên cho trẻ ăn các loại đồ ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa. 

      • Không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy: Các loại thuốc này sẽ làm giảm nhu động ruột, liệt ruột khiến cho phân khó được thải ra làm virus ứ đọng trong cơ thể của trẻ. Việc này nếu kéo dài lâu sẽ gây chướng bụng, tắc ruột, gây nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong,...

      • Dùng men vi sinh: Ba mẹ có thể cho trẻ dùng men vi sinh để bảo vệ đường ruột , tránh được sự tấn công của virus rota và giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn.

    bổ sung dinh dưỡng cho trẻ

    Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng các loại đồ ăn dễ tiêu hóa

    4, Các cách phòng ngừa lây nhiễm virus rota cho trẻ

    Phòng bệnh hơn chữa bệnh và đặc biệt đối bệnh tiêu chảy rota là bệnh gây ảnh hưởng và nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Sau đây, là một số cách phòng ngừa lây nhiễm virus rota hiệu quả mà ba mẹ có thể áp dụng:

      • Giữ vệ sinh tay cho trẻ là biện pháp ưu tiên hàng đầu, nên tập cho trẻ thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi cầm nắm thức ăn và sau khi chơi đồ chơi.

      • Ba mẹ nên rửa sạch tay bằng xà phòng sát khuẩn sau khi vệ sinh hoặc thay tã cho trẻ.

      • Không nên cho trẻ ngậm đồ chơi, ngậm tay hoặc lăn lết dưới sàn nhà.

      • Dọn dẹp và vệ sinh sạch những vật dụng mà trẻ sử dụng, đồ chơi của trẻ bằng cồn khử khuẩn, lau rửa và vệ sinh toa lét sau khi trẻ sử dụng.

      • Khi thay tã cho trẻ thì nên cho vào bì nilon, buộc kín rồi mới cho vào thùng rác.

      • Khi trẻ mắc bệnh thì nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây nhiễm cho những trẻ khác.

      • Đặc biệt biện pháp được nhiều bác sĩ khuyến nghị nhất là cho trẻ sử dụng vacxin rota càng sớm càng tốt. Không giống các loại vắc-xin khác khác, vắc-xin rota có thể được dung nạp qua đường uống. Trẻ khi còn dưới 6 tháng thì ba mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn về  việc uống vacxin để ngăn ngừa bệnh tiêu chảy rota.

    Xem thêm: Các tác dụng phụ của vắc-xin rota cha mẹ nên lưu ý khi cho trẻ uống

    mẹ cho trẻ uống vắc-xin rota

    Cho trẻ uống vắc-xin rota đúng thời điểm để phòng tránh tiêu chảy cho trẻ

    Hy vọng với những thông tin về tiêu chảy rota đã cung cấp trên sẽ giúp các ba mẹ có thêm nhiều kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Theo dõi HENO để cập nhật thêm nhiều thông tin về bệnh này nhé.


    Hashtag:

    Đánh giá bài viết

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN