Đồng nghiệp bị ngất xỉu đột ngột, nên xử lý như thế nào?
Ngất, còn gọi là chết giấc, là trạng thái mất ý thức một cách đột ngột, thoáng qua. Ngất có rất nhiều nguyên nhân và bạn có thể bắt gặp người bị ngất xỉu đột ngột ở bất cứ đâu, ngay cả trong môi trường làm việc. Biết rõ các cách sơ cứu người bị ngất hiệu quả để giúp đỡ đồng nghiệp hoặc người thân, bạn bè ngay khi cần thiết.
Nguyên nhân dẫn đến bị ngất xỉu đột ngột
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngất như xúc cảm mạnh, mắc bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, thần kinh, nội tiết, tiêu hóa… Trong nhóm bệnh tim mạch, ngất có thể gặp ở các bệnh tim bẩm sinh, tâm phế mãn, khi gắng sức hoặc dùng một số thuốc ức chế trung khu hô hấp, thuốc ngủ, rối loạn nhịp tim.
Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim, tụt huyết áp tư thế, hẹp động mạch chủ, tràn dịch ngoài tim... do thiếu máu nuôi dưỡng não bộ.
Đối với nhân viên công sở, khi làm việc quá sức hoặc ăn uống không đầy đủ, hay bỏ bữa cũng rất dễ bị tụt đường huyết quá mức, dẫn đến ngất xỉu.
Diễn biến khi bị ngất cũng diễn ra rất đột ngột, người bệnh sẽ đột ngột ngã lăn ra bất tỉnh. Ngoài việc mất ý thức tạm thời (bất tỉnh), bệnh nhân còn nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, vã mồ hôi lạnh, có thể co giật... Tất cả các dấu hiệu trên diễn biến nhanh trong vòng 3 phút, rồi bệnh nhân hồi tỉnh…
Ngất xỉu không phải là hiếm gặp ở nơi công sở
Cách sơ cứu người bị ngất xỉu đột ngột
Các bước sơ cứu người bị ngất xỉu đột ngột bao gồm:
Đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu thấp hơn chân;
Nếu nạn nhân vẫn còn thở và không có thương tích thì cố gắng nâng hai chân cao lên khoảng 30cm, hơn tầm của tim;
Nới lỏng thắt lưng, cổ áo và những chỗ quần áo bó sát;
Ðặt đầu quay sang một bên để đề phòng hít chất nôn vào phổi hoặc tụt lưỡi vào cổ họng;
Kiểm tra nhịp thở của nạn nhân, bắt đầu hô hấp nhân tạo trong trường hợp không thở;
Tiếp tục hô hấp nhân tạo cho đến khi xe cấp cứu đến hoặc nạn nhân bắt đầu thở lại;
Nếu nạn nhân ngất xỉu do té ngã bị thương, ưu tiên cầm máu hoặc giảm vết sưng phù hợp;
Nếu nạn nhân không tỉnh lại trong vòng tối đa 10 phút, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.
Cho ngửi tinh dầu như dầu cao Trường Sơn, dầu Gấu..., xoa dầu vào nhân trung.
Nếu có điều kiện, nên cho bệnh nhân đắp chăn ấm, tránh gió lùa.
Ngoài ra, có thể xử trí ngất bằng cách tác động vào huyệt nhân trung. Huyệt này nằm ngay dưới gốc mũi, ở vị trí 1/3 trên của rãnh nhân trung. Cần khẩn trương bấm huyệt ngay sau khi người bệnh có biểu hiện ngất nhằm giúp họ thoát khỏi tình trạng này càng nhanh càng tốt. Lấy đầu ngón tay cái bấm vuông góc vào huyệt vị hoặc dùng một vật có đầu nhọn (như đầu bút bi, bút chì) ấn mạnh vào huyệt. Cần bấm nhanh, mạnh, dứt khoát.
Vị trí huyệt nhân trung để bấm khi bị ngất xỉu
Một số lưu ý khi sơ cứu người bị ngất xỉu đột ngột
Có nhiều biện pháp dân gian trong sơ cứu người bị ngất, tuy nhiên y học hiện đại khuyến cáo mọi người không nên tin tưởng tuyệt đối những cách chưa được chứng minh hiệu quả và thực hiện theo một cách tùy tiện. Thay vào đó, nên tìm hiểu đâu là những điều nên và không nên làm để vừa giúp đỡ được nạn nhân, vừa tránh làm cho tình trạng càng nghiêm trọng và phức tạp thêm.
Điểm lưu ý trong sơ cứu khi bị choáng ngất quan trọng nhất là gọi bác sĩ hoặc chủ động đưa nạn nhân đến bệnh viện để có hướng xử trí tiếp theo phù hợp, cũng như tìm ra nguyên nhân hỗ trợ điều trị.
Những điều không nên làm khi sơ cứu người bị ngất:
Không châm 10 đầu ngón tay cho người bệnh, tránh gây nhiễm trùng
Không gọi nạn nhân tỉnh dậy quá nhanh để giảm nguy cơ ngất xỉu một lần nữa
Không tụ tập quá đông người xung quanh để thoáng khí cho bệnh nhân dễ thở
Với các bước hướng dẫn chi tiết trên, hy vọng đã giúp bạn có những kiến thức cần thiết để sơ cứu khi đồng nghiệp hoặc người thân bị ngất xỉu. Theo dõi Cột Sống Công Sở thường xuyên để biết được những mẹo bổ ích nơi công sở.
Đánh giá bài viết
CHỦ ĐỀ HOT
-
1
-
2
-
3
-
4
-
5
-
6
-
7