Hậu COVID 19 là gì? Triệu chứng biểu hiện và biện pháp điều trị

Hậu COVID 19 là gì? Triệu chứng biểu hiện và biện pháp điều trị

Tác giả: Hồng Phượng - Khoa xét nghiệm

2 năm trước


Sau khi mắc COVID-19, nhiều bệnh nhân hồi phục hoàn toàn nhưng cũng không ít bệnh nhân mắc các hội chứng hậu COVID-19. Những triệu chứng này kéo dài gây suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Vậy hậu COVID là gì, biểu hiện ra sao, làm cách nào để điều trị? Bài viết này HENO sẽ tổng hợp đầy đủ các thông tin mà bạn cần biết về các di chứng sau COVID.



    Hậu COVID là gì?

    Theo định nghĩa từ Tổ chức Y tế thế giới, hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử mắc SARS-CoV-2, trong vòng 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc bệnh và các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

    Tuy nhiên, cần phân biệt hậu COVID và Hội chứng COVID kéo dài. Theo Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS),  khác biệt giữa hai khái niệm này là thời gian tồn tại của các di chứng:

      • Hội chứng COVID  kéo dài: các triệu chứng kéo dài từ 4-12 tuần kể từ khi mắc COVID-19

      • Hội chứng hậu COVID: các triệu chứng kéo dài sau 3 tháng kể từ khi mắc bệnh

    Các triệu chứng của tình trạng sau COVID-19 có thể tồn tại từ ngay từ đợt bệnh ban đầu hoặc mới khởi phát sau khi hồi phục. Các triệu chứng này có thể xuất hiện và biến mất hoặc tái phát theo thời gian.Tình trạng hậu COVID, hay hội chứng COVID kéo dài thường tồn tại từ vài tuần cho đến 3 tháng. 


    

    Các di chứng hậu COVID có thể kéo dài đến 3 tháng

    Nguyên nhân gây ra các biến chứng hậu COVID

    Ba cơ chế chính gây ra các di chứng hậu COVID-19 được các chuyên gia đề cập đến bao gồm: 

      • Phản ứng đáp ứng miễn dịch: Khi virus xâm nhập vào cơ thể, các đáp ứng miễn dịch quá mức có thể gây nên hiện tượng viêm, sốt kéo dài

      • Cơ chế xâm nhập của virus: Virus xâm nhập qua thụ thể ACE 2 tại các tế bào ở cơ quan hô hấp, tim mạch, thần kinh, cơ xương khớp,.. gây tổn thương các bộ phận này 

      • Các yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực như: Mắc bệnh, nghèo đói, mất việc, cách ly, mất người thân, người từng điều trị tại đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).

    Ngoài ra, việc chưa tiêm vắc-xin cũng là nguyên nhân khiến các biểu hiện hậu COVID-19 ở người bệnh kéo dài và thêm trầm trọng. Một kết quả nghiên cứu từ đầu năm 2022 đã cho thấy những người được tiêm đủ hai mũi có khả năng giảm thiểu một nửa các triệu chứng hậu COVID-19. 

    Triệu chứng biểu hiện của hậu COVID

    Các triệu chứng hậu COVID ở người bệnh có thể chia thành 2 loại triệu chứng như sau:

    Các triệu chứng hậu COVID-19 thông thường

      • Triệu chứng hô hấp: các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp như: ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở là phổ biến nhất, chiếm tỉ lệ tới 42 - 66% trong số bệnh nhân từng mắc COVID-19.

      • Triệu chứng liên quan đến tuần hoàn và tim mạch: tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, …

      • Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa: ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy; buồn nôn, nôn,...

      • Biểu hiện đau mỏi người, đau nhức cơ xương khớp,...

      • Một số người gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như: rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung. 

    Các triệu chứng hậu COVID-19 hiếm gặp

      • Viêm phổi và suy hô hấp cấp tính: sau khi mắc COVID-19, phổi bị tấn công, dẫn đến tổn thương và viêm phổi. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng suy hô hấp cấp tính (ARDS) cần phải được chẩn đoán bằng cách chụp X-quang

      • Suy tạng: virus xâm nhập và các tế bào nội tạng của cơ thể, gây ra các phản ứng viêm khiến các cơ quan như gan, thận,.. bị phá hủy. 

      • Sốc nhiễm trùng: di chứng sốc nhiễm trùng chiếm tỉ lệ nhỏ, chỉ 5% trong tổng số bệnh nhân, tuy nhiên, lại nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao. Sốc nhiễm trùng sau COVID thường ghi nhận thấy ở nhóm có bệnh nền nặng, hệ miễn dịch bị suy giảm

      • Đông máu: sự xuất hiện của virus làm kích thích tổng hợp các hoạt chất trung gian gây tăng đông máu. Các cục máu đông này di chuyển đến phổi, ngăn máu lưu thông, kết quả là gây thiếu máu cục bộ các cơ quan

      • Hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C) ở trẻ em: trẻ em sau khi nhiễm COVID-19 có thể mắc hội chứng nghiêm trọng  khiến các bộ phận cơ thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. Hội chứng này cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nếu không, sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

    Xem thêmCác triệu chứng hậu COVID-19 nào thường gặp và đâu là cách khắc phục

    Chẩn đoán và điều trị di chứng sau COVID như thế nào

    Các biểu hiện hậu COVID-19 thường khó chẩn đoán bởi chúng không rõ ràng và khó phân biệt với các bệnh lý khác. Không chỉ thế, còn có rất nhiều yếu tố tác động tới mức độ nặng nhẹ của các hội chứng hậu COVID-19 như:

      • Tình trạng bệnh lý nền

      • Khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể

      • Các di chứng tim mạch - phổi sau bệnh COVID-19;

      • Mức độ tác động của virus lên các cơ quan khác trong cơ thể như hệ thống nội tiết, tim, thận, phổi, thậm chí cả gen…

      • Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến tâm sinh lý, xã hội cũng góp phần làm thay đổi cường độ biểu hiện của các triệu chứng bệnh sau COVID

    Do các dấu hiệu sau khi mắc COVID xuất hiện khó lường và không giống nhau ở mỗi người, nên lộ trình điều trị cũng khác nhau. Các bác sĩ sẽ thông qua các xét nghiệm hoặc hình ảnh chụp X-quang để đánh giá tổng quát tình trạng bệnh nhân, đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp.


    

    Các bác sĩ cần dựa vào hình ảnh chụp X-quang để chẩn đoán chính xác các di chứng hậu COVID

    Những người đang có dấu hiệu của hội chứng hậu COVID cần chủ động theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện. Để chủ động ứng phó với các triệu chứng hậu COVID, bạn nên áp dụng các biện pháp sau:

      • Tập thở: thực hiện hít sâu, thở ra từ từ hoặc các bài tập thở mím môi, thở cơ hoành với nhịp độ tăng dần

      • Tăng cường vận động thể chất: bắt đầu từ những bài tập đơn giản như đi bộ, đạp xe, tập yoga,... để tăng sức đề kháng cho cơ thể

      • Ăn uống cân đối, hợp lý: bổ sung các loại thực phẩm giàu năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất như: rau xanh, cá béo, thịt nạc, củ quả,.. Hạn chế thức ăn hàng, chế biến sẵn

      • Chăm sóc sức khỏe tinh thần: ngủ đủ giấc, dành thời gian để thư giãn, tránh sử dụng các chất kích thích

    Xem thêm: Nguyên tắc điều trị các di chứng hậu Covid-19

    Đã có thuốc chữa trị hậu COVID chưa?

    Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị cho các biểu hiện về sức khỏe mà hậu COVID gây ra. do đó, mọi người cần cực kỳ cảnh giác các loại thuốc được quảng cáo tràn lan rằng có khả năng chữa "dứt điểm hậu COVID-19”.


    Hiện nay, chưa tìm ra thuốc đặc trị cho các triệu chứng hậu COVID

    Người bệnh sử dụng thuốc cần phải có sự tư vấn và kê đơn từ các bác sĩ chuyên môn. Tránh lạm dụng hoặc sử dụng quá liều thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Ngoài các loại thuốc được kê đơn và hướng dẫn, bạn cũng có thể bổ sung thêm  các loại thực phẩm chức năng vitamin và khoáng chất như: vitamin nhóm B (folate, B6, thiamin, niacin, B12…), vitamin C, vitamin D, vitamin E, sắt, magie, kẽm, các loại omega

    Các bài thuốc đông y cũng được nhiều bác sĩ khuyên dùng bởi tính an toàn và tiện dụng. Một số bài thuốc đông y mà bạn có thể áp dụng bao gồm: mật ong và chanh trị ho, tâm sen và kỷ tử chữa mất ngủ, nhân sâm bồi bổ khí huyết,...

    Khi nào nên đi khám hậu COVID

    Hội chứng hậu COVID-19 có thể xảy ra ở bất kỳ ai đã mắc COVID-19, không kể triệu chứng khi mắc bệnh nặng hay nhẹ. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi người ai cũng nên ồ ạt đi khám sức khỏe sau khi khỏi COVID-19. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện và phòng khám.

    Theo lời khuyên của các bác sĩ, dưới đây là một số nhóm đối tượng cần đi khám sau khi đã khỏi bệnh:

    + Sau khi nhiễm bệnh, bạn thấy có những dấu hiệu bất thường sau cần đi khám ngay lập tức:

      • Ho khan/tức ngực kéo dài 1 vài tuần

      • Nôn/ Ho ra máu, đi ngoài phân đen

      • Sốt cao liên tục ( sốt cao liên tục sau mắc bệnh > 5 ngày cũng cần phải khám)

    + Với trẻ em, cần phải đưa trẻ đi khám ngay khi có các triệu chứng sau:

      • Trẻ sốt cao liên tục > 38,5 độ C, kèm theo có các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ khô nứt, họng đỏ.

      • Trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như: Thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi. Kể cả với di chứng nặng nề như hội chứng MIS nếu được phát hiện sớm, kịp thời vẫn điều trị và cứu chữa được.

    + Ngoài ra, những người có bệnh nền về hô hấp tim mạch, huyết áp, tiểu đường,.. hoặc các bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nặng cũng cần tái khám sau 2-4 tuần nhiễm bệnh

    + Nếu không có dấu hiệu gì bất thường,  bạn vẫn nên cân nhắc đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Thời gian không muộn hơn 6 tháng từ khi phơi nhiễm.

    Xem thêm: 7 điều bạn cần biết trước khi đi khám hậu COVID

    Danh sách các địa điểm điều trị hậu COVID trên toàn quốc:

    Các F0 sau khi khỏi bệnh có thể tìm đến các địa điểm sau để được thăm khám và nhận tư vấn về tình trạng hậu COVID-19:

    Tại Hà Nội:


    Người dân tại thủ đô có thể đến bệnh viện Bạch Mai để khám hậu COVID

      1. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 

    - Địa chỉ cơ sở 1:Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội

    - Địa chỉ cơ sở 2: Số 78, Đường Giải Phóng, Hà Nội

      1. Bệnh viện Bạch Mai - Hai khu điều trị di chứng tòa nhà K1 và K2 - Địa chỉ: Số 78, Giải Phóng, Đống Đa, TP Hà Nội

      2. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - Địa chỉ: Phòng khám theo yêu cầu, khu nhà D, số 54 Trường Lâm, Phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội.

      3. Bệnh viện Hữu Nghị - Địa chỉ:Số 1, Trần Khánh Dư, Phường Bạch Đằng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

      4. Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) - Địa chỉ: ngõ 587, đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

      5. Một số bệnh viện tư nhân: Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, Bệnh viện đa khoa Phương Đông, Bệnh viện đa khoa Medlatec

    Tại miền Trung:

      1. Bệnh viện Đà Nẵng - Địa chỉ: Số 124 Hải Phòng, phường Thạch Thang, TP Đà Nẵng

      2. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - Địa chỉ: 9 Yersin, Lộc Thọ, Nha Trang, Khánh Hòa

    Tại miền Nam:

      1. Bệnh viện Chợ Rẫy - Địa chỉ: số 201B Nguyễn Chí Thanh phường 12, quận 5

      2. Bệnh viện Đại học Y dược - Địa chỉ: Phòng số 55, tầng trệt, khu B, số 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP HCM.

      3. Bệnh viện Thống nhất - Địa chỉ: Số 1 Lý Thường Kiệt, phường 7, Tân Bình, TP HCM.

      4. Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM - Địa chỉ: Số 764 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5

      5. Bệnh viện Lê Văn Thịnh - Địa chỉ: số 145, đường Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức (đối diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh)

    Làm thế nào để ngăn ngừa các biểu hiện hậu COVID

    Biện pháp phòng tránh các biến chứng hậu COVID hiệu quả nhất là ngăn ngừa sự lây nhiễm virus ngay từ ban đầu. Người dân cần phải được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, vừa tránh lây nhiễm, vừa giảm thiểu thời gian tác động của các di chứng. Đồng thời, cần duy trì cuộc sống lành mạnh, tuân thủ các biện pháp đảm bảo sức khỏe cộng đồng, bao gồm:

      • Giữ khoảng cách ít nhất 1m khi tiếp xúc với người khác

      • Đau khẩu trang bảo vệ mũi và miệng khi đến nơi công cộng

      • Tránh tụ tập nơi đông người

      • Rửa tay sát khuẩn thường xuyên

      • Đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh, giữ không khí lưu thông

      • Ăn chín uống sôi, hạn chế ăn thức ăn ngoài

      • Tiêm chủng đầy đủ khi đến lượt

    Dù là COVID hay hậu COVID-19 cũng đều để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ về bệnh, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa và khắc phục được các di chứng này. Qua bài viết, HENO mong đã giải đáp được các thắc mắc của bạn về các triệu chứng hậu COVID.

    Hashtag:

    Đánh giá bài viết

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN