Triệu chứng hậu COVID ở trẻ em: Bố mẹ cần lưu ý điều gì

Triệu chứng hậu COVID ở trẻ em: Bố mẹ cần lưu ý điều gì

Tác giả: Hồng Phượng - Khoa xét nghiệm

1 năm trước


Triệu chứng hậu COVID ở trẻ em nghiêm trọng nhất là bệnh viêm đa hệ thống (MIS-C). Một khi trẻ mắc phải hội chứng này, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là cực kỳ cao. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng, bởi vì HENO sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về triệu chứng hậu COVID xảy ra ở trẻ trong bài viết này.


    Hậu COVID ở trẻ em có nghiêm trọng không

    Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, số lượng trẻ em dưới 18 tuổi tại Việt Nam bị mắc COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát đến nay là 490.000 trẻ, tương đương với tỉ lệ 19,2%. Trong đó, trong gần nửa triệu trẻ mắc COVID-19 này có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.

    Sau khi mắc COVID, phần lớn trẻ đều bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng hậu COVID. Các biểu hiện này thường nhẹ hơn so với ở người lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng mà bố mẹ nên biết trước nhằm đảm bảo sức khỏe cho con.

    Bố mẹ vẫn cần theo dõi sức khỏe của con sau khi khỏi COVIDBố mẹ vẫn cần theo dõi sức khỏe của con sau khi khỏi COVID

    Phát hiện sớm các triệu chứng hậu COVID ở trẻ

    Các triệu chứng hậu COVID ở trẻ nhỏ thường xuất hiện từ sau 2-6 tuần sau khi trẻ âm tính. Biểu hiện dù nặng hay nhẹ, chúng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sinh hoạt và học tập hàng ngày của trẻ. 

    Con sẽ có biểu hiện kém hoạt bát hơn, mệt mỏi và mất tập trung hơn thường ngày. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát sao các triệu chứng hậu COVID của trẻ để có phương án cải thiện và chữa trị kịp thời.

    Các triệu chứng hậu COVID ở trẻ em cũng trải đều theo các nhóm bệnh bao gồm:

      • Triệu chứng về hô hấp: các di chứng hậu COVID liên quan đến hô hấp ở trẻ em như: ho kéo dài, tức ngực, khó thở và có thể kéo dài đến 3 tháng sau khi khỏi bệnh

      • Triệu chứng mệt mỏi: trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc kém vận động, sức chịu đựng của con kém hơn so với thường ngày

      • Triệu chứng về thần kinh: phổ biến nhất là tình trạng đau đầu ở trẻ nhỏ, sau đó là mất tập trung, giảm khả năng chú ý. Nghiêm trọng hơn trẻ có nguy cơ mắc bệnh viêm não

      • Triệu chứng liên quan đến tim mạch, tuần hoàn: các triệu chứng cơ tim xảy ra ở trẻ sau khi mắc COVID như: tim đập nhanh, nhịp tim không đều, đau ngực,...

      • Di chứng rối loạn khứu-vị giác: trẻ rất dễ mất khứu và vị giác hậu COVID-19, dẫn đến tình trạng chán ăn và ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ

    Triệu chứng nghiêm trọng nhất xảy ra ở trẻ em hậu COVID-19 là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ em độ tuổi đi học (phổ biến nhất là 8-9 tuổi), gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể trẻ  như tim, phổi, thận, não, da, mắt, tiêu hóa.


    Hội chứng MIS-C là triệu chứng hậu COVID nghiêm trọng nhất ở trẻ nhỏ

    Hội chứng MIS-C là triệu chứng hậu COVID nghiêm trọng nhất ở trẻ nhỏ

    Biểu hiện lâm sàng của trẻ bị mắc hội chứng MIS-C hậu COVID-19 như: sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc… nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong ở trẻ.

    Khi nào bố mẹ nên đưa trẻ đi khám

    Để phát hiện sớm và điều trị kịp thời hội chứng viêm viêm đa hệ thống hậu COVID-19 (MIS-C) ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần đưa con đi khám ngay một khi nhận thấy các triệu chứng sau:

      • Trẻ bị sốt cao liên tục trên 24h

      • Trẻ bị nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc

      • Trẻ bị phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân

      • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy

      •  Trẻ gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

    Sau khi đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm lâm sàng để chẩn đoán chính xác tình trạng của trẻ, bao gồm:

      • Xét nghiệm các chỉ số bạch cầu.

      • Xét nghiệm các chỉ số viêm: máu lắng, CRP, procalcitonin, ferritin…

      • Các xét nghiệm sinh hóa khác: tim mạch, men gan, xét nghiệm chức năng thận,...

      • Ngoài ra, có thể sẽ cần chụp X-quang để đánh giá tổn thương tim và phổi

    Bác sĩ khám bệnh cho trẻ

    Bác sĩ thăm khám tình trạng hậu COVID ở trẻ

    Điều trị các biểu hiện hậu COVID ở trẻ như thế nào

    Tùy từng triệu chứng và mức độ nặng nhẹ khác nhau, sẽ có những phương pháp tương ứng để điều trị các triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ.

    Chẳng hạn, nếu trẻ có triệu chứng nhẹ, tỉnh táo và chụp X-quang phổi không có vấn đề gì thì bác sĩ có thể cân nhắc theo dõi điều trị cho trẻ tại nhà và chỉ định dùng một số loại thuốc nhất định. Tuy nhiên, trong trường hợp khi ảnh chụp X-quang cho thấy trẻ bị tổn thương mô kẽ ở phổi, nồng độ SpO2 ở mức 94-95%, sẽ yêu cầu trẻ phải nhập viện và hỗ trợ hô hấp bằng oxy gọng kính, mặt nạ thở đơn giản.

    Một số nguyên tắc điều trị hậu COVID ở trẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế:

      • Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc. 

      • Phân loại trẻ bệnh theo mức độ và điều trị theo các mức độ nặng của bệnh. 

      • Tuân thủ nguyên tắc cấp cứu A-B-C: kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn. 

      • Cá thể hóa các biện pháp điều trị, đặc biệt là các ca bệnh nặng nguy kịch.

      • Điều trị nguyên nhân: thuốc kháng vi rút. 

      • Điều trị cơn bão cytokine: corticoid, lọc máu, ức chế sản xuất hoặc đối kháng IL receptor. 

      • Điều trị chống đông ở trẻ em cần cân nhắc cẩn thận, nhất là ở trẻ < 12 tuổi. 

      • Kháng sinh/kháng nấm: khi có bằng chứng lâm sàng và xét nghiệm. 

      • Điều trị hỗ trợ khác: đảm bảo trẻ được bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, vật lý trị liệu, sức khỏe tâm thần. 

      • Điều trị triệu chứng: hạ sốt giảm ho, giảm đau… 

    Xem thêm: Nguyên tắc điều trị các di chứng hậu COVID-19

    Cần làm gì để ngăn ngừa các di chứng hậu COVID ở trẻ

    Theo khuyến cáo từ Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay dịch COVID-19 vẫn hết sức phức tạp, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng, do đó cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng hậu COVID-19  ở trẻ em là tiêm đủ vắc-xin phòng bệnh, ngăn ngừa nhiễm bệnh. 

    Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hướng dẫn con tuân thủ 5K, khuyến khích trẻ hoạt động thể chất hợp lý và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ

    Dù trẻ có mắc hay không mắc các triệu chứng hậu COVID, ba mẹ cũng nên tuân thủ các biện pháp sau để bảo đảm sức khỏe cho con:

      • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ: sau khi mắc COVID-19, trẻ thường sẽ có biểu hiện chán ăn. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các món con thích, tuy nhiên, cần bổ sung thêm rau xanh và vitamin từ các loại củ quả để tăng cường sức đề kháng cho trẻ

      • Rèn luyện thể chất cho con: khi bị bệnh hoặc trong thời gian giãn cách xã hội, trẻ không có nhiều cơ hội để tham gia các hoạt động thể chất. Không nhất thiết phải tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, bố mẹ có thể cho con tập các bài tập đơn giản tại nhà: đi bộ, đạp xe tại chỗ,... vừa rèn luyện sức khỏe, vừa ngăn ngừa các triệu chứng hậu COVID ở trẻ

      • Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ em: hiện nay, nước ta đang triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Bố mẹ cần theo dõi thông tin từ các cơ sở y tế tại địa phương để chủ động tiêm phòng cho con theo đúng lộ trình của Bộ Y Tế.


    Triệu chứng hậu COVID ở trẻ em cũng đa dạng và diễn biến phức tạp như người lớn. Do đó, ai cũng cần nâng cao cảnh giác, theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của mình và người thân để có biện pháp điều trị kịp thời khi có biểu hiện bất thường xảy ra. Chăm sóc sức khỏe là KHÔNG THỂ CHỜ ĐỢIHENO luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn và gia đình trong hành trình tiến tới sức khỏe - hạnh phúc vẹn toàn.

    Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về sức khỏe bạn nhé!

    Hashtag:

    Đánh giá bài viết

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN