Hậu COVID bị khó thở: Nguyên nhân do đâu và chữa trị thế nào?

Hậu COVID bị khó thở: Nguyên nhân do đâu và chữa trị thế nào?

Tác giả: Hồng Phượng - Khoa xét nghiệm

2 năm trước


Hậu COVID bị khó thở là triệu chứng mà nhiều “cựu F0” gặp phải, gây khó khăn trong cả những hoạt động sinh hoạt thường ngày. Để khắc phục dứt điểm tình trạng này, cần phải hiểu rõ nguyên nhân tại sao sau đã âm tính mà  vẫn bắt gặp tình trạng khó thở và khi nào bệnh tình diễn biến nặng, cần phải đi khám. Mọi thông tin đó đều sẽ được HENO đề cập trong bài viết này.


    Khó thở hậu COVID có nghiêm trọng không

    Kết quả một nghiên cứu trên thế giới khi theo dõi những bệnh nhân đã khỏi COVID-19, hậu COVID để lại đến hơn 50 di chứng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Trong đó, số người có triệu chứng khó thở chiếm tới 24%.

    Khi bị khó thở, cơ thể người bệnh luôn trong trạng thái thiếu oxy. Chính vì vậy, dẫn đến biểu hiện mệt mỏi, hơi thở ngắn và đứt quãng. Một số triệu chứng khác đi kèm tình trạng khó thở hậu COVID có thể kể đến như:

      • Thường xuyên cảm thấy ngạt thở

      • Cảm giác đau tức ngực 

      • Thở gấp, thở nông

      • Tim đập nhanh

      • Xuất hiện cảm giác chóng mặt

    Triệu chứng khó thở hậu Covid thường kèm với mệt mỏi, ho khan

    Khó thở hậu COVID còn thường đi kèm với di chứng ho khan, mệt mỏi

    Phần lớn các triệu chứng hậu COVID, bao gồm cả khó thở thường biến mất sau 2-3 tháng từ khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp tình trạng bệnh trở nặng và cần phải đi khám để có biện pháp điều trị kịp thời. Thậm chí, khó thở dẫn đến thiếu oxy trong thời gian dài, gây các biến chứng nguy hiểm liên quan đến tổn thương não hay đột quỵ.

    Xem thêm: Các triệu chứng hậu COVID-19 nào thường gặp và đâu là cách khắc phục

    Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng khó thở hậu COVID

    Theo ý kiến từ các chuyên gia, nguyên nhân gây nên cảm giác khó thở hậu COVID do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, phần lớn đều liên quan đến phổi. 

    Sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 làm tổn thương tới các tế bào mô phổi hoặc xảy ra tình trạng viêm và xơ phổi. Theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học Immunity, khó thở dai dẳng chính là dấu hiệu của các tổn thương ở phổi.

    Một nguyên do khác khiến người bệnh cảm thấy khó thở sau khi đã khỏi COVID là do các cục máu đông tắc nghẽn trong phổi. Hậu COVID-19 cũng có khả năng làm tăng sinh đông máu, huyết khối ở người bệnh. Các cục máu đông này di chuyển đến phổi, ngăn cản quá trình trao đổi oxy, tệ hơn, chúng gây thuyên tắc động mạch phổi. Do đó, người bệnh thường có cảm giác khó thở đi kèm với những cơn đau tức ngực kéo dài.

    Hậu COVID bị khó thở nên làm gì để khắc phục

    Hậu COVID bị khó thở không phải là triệu chứng quá trầm trọng hay khó khắc phục, do đó, mọi người không nên quá lo lắng khi mắc phải triệu chứng này.

    Bạn có thể kiên trì thực hiện các biện pháp sau đây để cải thiện tình trạng khó thở ngay tại nhà:

    Tập các bài tập thở:

    Việc tập luyện các bài tập thở nhằm nâng cao dung tích phổi, mở rộng đường thở. Một số bài tập thở đơn giản mà bạn nên áp dụng:

    Tập các bài tập thở giúp giảm triệu chứng hậu COVID bị khó thở

    Tập các bài tập thở giúp giảm thiểu tình trạng khó thở hậu COVID

    • Thở sâu:

    1, Thực hiện ở tư thế nằm, tay đặt lên bụng

    2, Hít sâu qua mũi, bụng phình to chứa đầy không khí

    3, Thở ra từ từ bằng miệng

    4, Duy trì đều đặn mỗi ngày, mỗi lần thực hiện từ 5-10 phút 

    • Thở mím môi:

    1, Tư thế ngồi, giữ cho phần vai và cổ thư giãn, hít vào từ từ bằng mũi, miệng khép lại

    2, Thở ra bằng miệng, phần miệng mím vào như đang thổi nến

    3, Lặp lại nhiều lần trong ngày, mỗi lần từ 5-10 phút 

    • Thở cơ hoành:

    1, Tư thế ngồi thoải mái, thả lỏng phần cổ và vai

    2, Đặt một tay lên bụng, một tay lên ngực

    3, Hít vào thật chậm bằng mũi, sao cho tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên, lồng ngực không di chuyển

    4, Bụng hóp lại, đồng thời, thở ra thật chậm bằng miệng, thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào

    5, Thực hiện nhiều lần trong ngày, nên tập luyện ngay cả khi đang đứng

    Sử dụng các bài thuốc dân gian

    • Xông mũi, họng:

    Đơn giản nhất bạn chỉ cần một chậu nước nóng, sau đó nhỏ thêm vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc sả chanh rồi tiến hành xông với một khoảng cách phù hợp để tránh bị bỏng. Hoặc bạn có thể sử dụng hỗn hợp sả, chanh, gừng, thêm vài lá tía tô đun lên làm nguyên liệu xông họng hoặc mũi.

    Hơi nóng từ hỗn hợp xông góp phần làm tan các chất nhầy trong phổi, giúp đường thở thông thoáng hơn. Tuy nhiên, mỗi tuần chỉ nên xông hơi từ 3-4 lần, xông quá nhiều sẽ khiến niêm mạc đường thở bị tổn thương

    • Dùng trà nóng

    Các loại trà thảo mộc nóng cũng có nhiều tác dụng trong việc cải thiện chức năng hô hấp. Một số loại trà mà bạn có thể sử dụng như: trà gừng, trà khuynh diệp, trà cam thảo,... Nếu không thể pha trà, nhai trực tiếp một hai lát gừng tươi cũng giúp giảm triệu chứng hậu COVID bị khó thở. 

    Chẩn đoán và điều trị di chứng khó thở hậu COVID như thế nào?

    Khi nào cần đi khám

    Trong trường hợp đã áp dụng các phương pháp trị khó thở tại nhà mà tình trạng vẫn không thuyên giảm, hoặc xuất hiện những triệu chứng trầm trọng sau đây,  bạn cần đi khám ngay lập tức:

      • Khó thở kèm theo cơn đau tức ngực, cơn đau lan đến các bộ phận ngực, cánh tay, lưng, cổ, vai,..

      • Thở khò khè

      • Khó thở ngay cả khi vận động nhẹ hoặc nghỉ ngơi

      • Khó thở kèm theo ho đờm ra máu

      • Cổ họng căng cứng, khó nuốt

      • Khó thở khi ăn uống hoặc ban đêm khi đang ngủ

    Hiện nay, mọi người sau khi nhiễm COVID đều có thể đi khám hậu COVID ở các bệnh viện lớn trên toàn quốc. Ngoài ra, các phòng khám tư nhân cũng cung cấp nhiều gói khám hậu COVID chuyên sâu giúp người bệnh dễ dàng chọn lựa hơn đúng với nhu cầu và tình trạng bệnh của mình.

    Phương pháp chẩn đoán khó thở hậu COVID

    Để chẩn đoán chính xác tình trạng hậu COVID bị khó thở ở bệnh nhân, bác sĩ sẽ cần tiến thực hiện các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như: đo hô hấp ký, chụp X-quang lồng ngực, siêu âm màng phổi, chụp CT-scan,...

      • Đo hô hấp ký: dễ hiểu hơn đây là phương pháp đo thể tích không khí tối đa mà bệnh nhân có thể hít vào và thở ra khi gắng sức. Kết quả đo được thể hiện qua thông số FEV1, dựa vào chỉ số này để bác sĩ rút ra kết luận tình trạng suy hô hấp ở bệnh nhân nặng hay nhẹ

      • Chụp X-quang phổi: dấu hiệu điển hình nhất của bệnh nhân mắc chứng khó thở hậu COVID là hình ảnh chụp X-quang phổi cho thấy có những nốt mờ, đám mờ, kính mờ hình tròn đa ổ hay xuất hiện tình trạng đông đặc nhu mô phổi vùng ngoại vi đa ổ

      • Chụp CT-scan: hay chụp cắt lớp vi tính phát hiện thấy những tổn thương phổi thông qua những hình ảnh kính mờ hoặc đám mờ, ngoài ra, còn có thể nhận thấy dấu hiệu giãn mạch máu, giãn phế quản co kéo

    Hình ảnh chụp X-quang phổi của người bị khó thở, suy hô hấp hậu COVID

    Hình ảnh chụp X-quang phổi của người bệnh bị suy hô hấp hậu COVID

    Phương pháp điều trị khó thở hậu COVID

    Sau khi đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến di chứng khó thở ở người bệnh sau khi nhiễm COVID, tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị sao cho phù hợp. Có 3 nguyên tắc điều trị cơ bản như sau:

      • Tập phục hồi chức năng hô hấp: sử dụng các tác động vật lý giúp phục hồi chức năng phổi và khai thông đường thở cho người bệnh. Một số phương pháp phổ biến như: vỗ rung lồng ngực, dẫn lưu tư thế, tập thở, tập ho. Ngoài ra, còn có thể kết hợp các bài tập vận động khác: tập xà, tập chống đẩy, bơi lội,...

      • Sử dụng thuốc điều trị: các loại thuốc gồm azithromycin, clarithromycin hoặc erythromycin hoặc kèm thêm các loại thuốc kháng sinh khác thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho người bệnh bị viêm phế quản hoặc viêm phổi mãn tính

      • Hồi sức tích cực: trong trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh mắc nhiễm trùng phổi hay suy hô hấp cấp sẽ cần nhập viện để điều trị hồi sức tích cực. Biện pháp thở oxy, thở máy cũng sẽ được sử dụng để cứu chữa, phục hồi thể trạng cho bệnh nhân.

    Xem thêm: Nguyên tắc điều trị các di chứng hậu COVID-19

    Hậu COVID bị khó thở gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và công việc của nhiều người. Cần có giải pháp khắc phục tình trạng này kịp thời, đảm bảo duy trì sức khỏe ổn định. Chăm sóc sức khỏe là KHÔNG THỂ CHỜ ĐỢI, cập nhật thêm nhiều thông tin về sức khỏe tại HENO bạn nhé!

    Hashtag:

    Đánh giá bài viết

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN