Xơ phổi hậu COVID: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị

Xơ phổi hậu COVID: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị

Tác giả: Hồng Phượng - Khoa xét nghiệm

1 năm trước


Xơ phổi hậu COVID là nỗi lo lắng của nhiều người kể cả sau khi đã khỏi bệnh. Nghiêm trọng hơn, tình trạng xơ phổi có thể xảy ra ở những người khi mắc bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hay thậm chí không có biểu hiện gì. Để có phương pháp điều trị kịp thời, ngăn chặn bệnh trở nặng, cần nhận biết và phòng ngừa sớm các dấu hiệu của bệnh xơ phổi hậu COVID.


    Xơ phổi là bệnh gì - Nguyên nhân dẫn đến xơ phổi hậu COVID

    Xơ phổi là tình trạng nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính. Những nhu mô bị tổn thương không thể phục hồi lại trạng thái bình thường mà thay bằng những mô xơ. Những tổ chức xơ hóa này không đảm bảo hiệu quả trao đổi khí CO2 và O2 ở phổi, dẫn đến khó thở, giảm thể tích chứa và độ khuếch tán trong phổi.

    Một nghiên cứu tổng hợp từ 24 nghiên cứu khác cho thấy rằng, tình trạng xơ phổi không chỉ xảy ra trong giai đoạn mắc COVID-19 mà còn có thể kéo dài tới 3 tháng sau khi đã điều trị khỏi bệnh.

    Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xơ phổi sau COVID có thể được giải thích bằng hai cơ chế chính:

      • Do sự tấn công trực diện của virus: SARS-CoV-2 xâm nhập vào phổi và cư trú trong thời gian dài khiến các nhu mô phổi bị tổn thương, mất khả năng phục hồi 

      • Do phản ứng miễn dịch của cơ thể: để đối phó với sự tấn công từ virus, các tế bào trong hệ thống miễn dịch của cơ thể gồm: đại thực bào, bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan,... đồng loạt tiết ra các chất trung gian hoá học như TGF-β, TNF-α, MMPs, Interleukin (IL) vừa có tác dụng chống viêm nhưng cũng vô tình làm tăng tình trạng xơ hóa phổi.

    Xơ phổi hậu COVID có nghiêm trọng không

    Theo nghiên cứu được đăng tải trên Pubmed, tỷ lệ mắc xơ phổi chỉ chiếm khoảng 2-4% ở những bệnh nhân khi mắc COVID-19 có biểu hiện cấp tính. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là bệnh xơ phổi hậu COVID có thể xảy ra ở cả những người có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng gì.

    Phần lớn tình trạng xơ phổi do các virus khác đều tự hồi phục sau từ 6 tháng đến 1 năm. Chỉ có khoảng 20% người bệnh tiến triển nặng hơn kéo dài đến 5-10 năm sau. Di chứng bệnh kéo dài không chỉ gây suy giảm sức khỏe, giảm tuổi thọ mà còn tiêu tốn chi phí điều trị.

    Bệnh nhân điều trị xơ phổi hậu covid

    Tình trạng xơ phổi hậu COVID có thể kéo dài đến vài năm

    Tuy vậy,  bạn không nên quá lo lắng, bởi nhờ sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật và các liệu pháp y tế, xơ phổi hậu COVID hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

    Xem thêm: Cảnh báo: 10 bệnh hậu Covid 19 nghiêm trọng cần phải đi khám

    Đối tượng nào dễ mắc xơ phổi hậu COVID

    Xơ phổi có thể xảy ra ở mọi đối tượng từng nhiễm virus Corona, song, đối với những nhóm bệnh nhân sau đây cần phải lưu ý đặc biệt bởi rất dễ mắc bệnh lý này:

      • Bệnh nhân bị viêm phổi nặng khi mắc COVID-19 hoặc mắc suy hô hấp cấp tính (ARDS)

      • Bệnh nhân cần can thiệp thở máy, cần điều trị ECMO

      • Bệnh nhân có xét nghiệm cytokines ở nồng độ cao

      • Bệnh nhân chậm hồi phục, thời gian điều trị trong viện lâu

      • Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về phổi khác như: bệnh lao, tổn thương phổi sẵn có hoặc hút nhiều thuốc lá

    Nếu bạn hoặc những người thân trong gia đình thuộc các nhóm đối tượng trên, cần khẩn trương đi khám sức khỏe ít nhất là 2-4 tuần sau khi khỏi bệnh.

    Dấu hiệu nhận biết bạn đang bị xơ phổi

    Các dấu hiệu của xơ phổi hậu COVID không điển hình và rất khó để phát hiện chỉ bằng quan sát các biểu hiện bên ngoài. Tuy nhiên, nếu nhận thấy cơ thể có một trong các dấu hiệu sau, bạn nên đi khám ngay lập tức:

      • Khó thở, thở hổn hển ngay cả khi nghỉ ngơi 

      • Ho khan, ho khò khè hoặc ho ra máu

      • Đau nhức xương khớp, cơ thể mệt mỏi

      • Đau thắt ngực từng cơn

      • Cân nặng bị sụt không rõ nguyên nhân

      • Nếu có thiết bị đo SpO2, chỉ số SpO2 <94%

    Ho khan kéo dài có thể là biểu hiện của xơ phổi

    Ho khan kéo dài có thể là dấu hiệu tổn thương phổi hậu COVID

    Ngoài ra, người bệnh có thể tự kiểm tra khả năng hô hấp bằng đặt đồng hồ đếm ngược trong vòng 6 phút đi bộ. Nếu trong thời gian này, cảm thấy mệt mỏi, phải dừng lại để nghỉ ngơi khi quãng đường chưa đủ 500m thì cũng nên đi khám bởi cũng có thể bạn đang mắc các tổn thương về phổi. Cần lưu ý rằng, phương pháp này không nên tự áp dụng với người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc huyết áp cao trên 180 mmHg.

    Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh

    Chẩn đoán xơ phổi hậu COVID như thế nào

    Để phát hiện chính xác người bệnh có bị tổn thương phổi hậu COVID không, bác sĩ sẽ cần dựa vào các kết quả thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Một số xét nghiệm và chẩn đoán thường được sử dụng để đánh giá tình trạng phổi của bệnh nhân như:

      • Chụp X-quang phổi: hình ảnh phim chụp X-quang phổi của người bị xơ hóa phổi và suy hô hấp thường có những nốt mờ, đám mờ, kính mờ hình tròn đa ổ

      • Chụp cắt lớp vi tính HRCT: chụp CT có độ phân giải cao chẩn đoán các tổn thương phổi nhanh chóng và chính xác hơn. Thông thường, hình ảnh chụp HRCT của bệnh nhân sẽ thấy xuất hiện các đám mờ lan tỏa dạng lưới dưới màng phổi, sự dày lên bất thường của vách trong tiểu thùy và dấu hiệu giãn phế quản co kéo

      • Đo hô hấp ký: là phương pháp đo thể tích không khí tối đa mà bệnh nhân có thể hít vào và thở ra khi gắng sức.Kết quả đo được thể hiện qua thông số FEV1 và FVC, dựa vào chỉ số này để bác sĩ rút ra kết luận tình trạng suy hô hấp do xơ phổi gây ra nặng hay nhẹ

      • Các xét nghiệm máu: một số các xét nghiệm sinh thiết phổi, xét nghiệm chức năng gan thận, xét nghiệm kháng thể,... cũng sẽ được thực hiện khi cần thiết 

    Hình ảnh chụp X-quang của bệnh nhân mắc xơ phổi

    Hình ảnh chụp X-quang của người bệnh xơ phổi hậu COVID

    Phương pháp điều trị bệnh

    Không có phác đồ điều trị chung cho tất cả các bệnh nhân bị viêm phổi hậu COVIS. Đối với từng tình trạng bệnh khác nhau, các bác sĩ sẽ có những giải pháp khác nhau giúp giảm thiểu triệu chứng, nâng cao sức khỏe của người bệnh. 

    Hiện nay, thường áp dụng 3 phương pháp chính giúp điều trị xơ hóa phổi như sau:

      • Điều trị bằng thuốc: sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch corticosteroid hoặc azathioprine kết hợp với một số thuốc có tác dụng chống xơ hóa khác như: olchicine, ciclosporin, D-penicillamine, pirfenidone

      • Phục hồi chức năng hô hấp: hỗ trợ thở oxy bằng máy giúp hỗ trợ hô hấp ở người bệnh, làm giảm áp lực cho tim và phổi. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân tập các bài tập thở hoặc vận động nhằm phục hồi chức năng phổi

      • Cấy ghép phổi: đây là liệu pháp được cân nhắc áp dụng đối với trường hợp phổi bị xơ hóa nghiêm trọng, đã điều trị bằng nhiều phương pháp nhưng vẫn không thể hồi phục. Việc cấy ghép phổi tốn khá nhiều chi phí và cần sự tham vấn kĩ lưỡng của các bác sĩ chuyên môn trước khi thực hiện

    Xem thêm: Nguyên tắc điều trị các di chứng hậu Covid-19

    Có cách nào để ngăn ngừa bệnh xơ phổi sau khi mắc COVID-19

    Xơ phổi hậu COVID là bệnh lý rất nguy hiểm với diễn biến khó lường, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu khả năng mắc bệnh lý này bằng cách thực hiện các biện pháp dưới đây:

      • Tập các bài tập thở giúp tăng cường hệ hô hấp: các bài tập mà bạn nên áp dụng như thở sâu, thở cơ hoành, thở mím môi,...

      • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng: bổ sung nhiều vitamin và chất xơ từ các loại rau xanh để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể

      • Duy trì vận động thể lực hằng ngày với cường độ hợp lý để rèn luyện và phục hồi chức năng cho phổi

      • Bổ sung vitamin: bổ sung một số vitamin tốt cho phổi và cho hệ hô hấp như: vitamin D, vitamin C, vitamin B12, vitamin E, vitamin A,...

      • Hạn chế hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc làm ảnh hưởng xấu đến phổi

      • Tiêm phòng đầy đủ để hạn chế các tác động từ những di chứng hậu COVID

    Qua bài viết, hy vọng đã tổng hợp giúp bạn đầy đủ thông tin cần biết về bệnh xơ phổi hậu COVID. Đây là bệnh lý rất nguy hiểm, xảy ra cả ở với những người chỉ mắc các triệu chứng nhẹ. Do đó, cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để nhận biết sớm các biểu hiện xơ phổi và có phương án điều trị kịp thời. Thường xuyên theo dõi HENO để cập nhật thêm nhiều thông tin về các di chứng hậu COVID bạn nhé!


    Hashtag:

    Đánh giá bài viết

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN